Lịch sử Đấu thái

Kỹ thuật men ô (cloisonné) đa sắc sử dụng men trên các vật thể mỏng bằng kim loại đã được du nhập vào Trung Quốc khoảng thế kỷ 13-14 như là "sáng chế triều đình vào đầu thế kỷ 15 được làm riêng cho cung đình và đền miếu hoàng gia".[10] Nó hướng vào sử dụng trên các khuôn mẫu đồ sứ, và những người thợ gốm hoàng gia có thể cảm thấy áp lực cạnh tranh. Trước năm 1850, một loạt các kết hợp hai màu trên nền trắng đã được triều đình đặt hàng.[10] Kỹ thuật đấu thái có thể đã bắt nguồn từ kỹ thuật men ô.[11]

Kỹ thuật đấu thái có lẽ xuất hiện dưới thời trị vì của hoàng đế Tuyên Đức (1426–1435), với một chiếc đĩa trang trí men đỏ và xanh lục đã được khai quật tại các lò Cảnh Đức Trấn.[12] Kỹ thuật này đạt được kỹ thuật vẽ hoa đầu tiên và tinh xảo nhất trong những năm cuối cùng của niên hiệu Thành Hóa (1464-1487), nhưng các hiện vật đấu thái có niên đại 1472-1487 là cực hiếm.[3][12] Vị hoàng đế này dường như có sự quan tâm cá nhân đến đồ gia dụng, hầu hết đều là các vật dụng nhỏ và dễ cầm trong tay. Theo truyền miệng thì cung nữ được sủng ái và đầy tham vọng nguyên là nhũ mẫu của ông là Vạn Trinh Nhi (sau này là Vạn quý phi) đã khuyến khích ông trong sở thích này và có thể đã truyền cảm hứng cho ông về điều đó.[13] Các đồ vật được trang trí là biểu tượng của khả năng sinh sản và thường được tặng trong các đám cưới, và có vẻ như Vạn thị thích tặng cho hoàng đế một món quà thường nhật, trong trường hợp "chén trang trí gà" có thể tượng trưng cho mong muốn sinh con của cung nữ hơn tuổi nhưng được sủng ái này.[14] Ông cũng là một Phật tử mộ đạo, và trên một số hiện vật có chữ viết và biểu tượng Phật giáo.[12]

Sau thời Thành Hóa thì chất lượng của đồ sứ hoàng gia từ từ suy giảm trong khoảng thời gian còn lại của triều Minh, và khi chất lượng được phục hồi dưới thời nhà Thanh thì đồ sứ Thành Hóa đã có được danh tiếng như là thời kỳ đồ sứ Trung Quốc đạt độ tinh xảo cao nhất, điều mà nó phần lớn vẫn giữ được.[12][15]

Các đồ vật bằng sứ đấu thái thời Thành Hóa (1464–1487); phía trước là một "kê cang bôi" (chén trang trí gà) giống như cái đã được Sotheby's bán năm 2014.

Chén uống rượu bằng sứ đấu thái thời Thành Hóa đã có giá rất cao trong giới sưu tập dưới thời Vạn Lịch (1573–1619),[12] và vào thế kỷ 18, có nhiều tài liệu khác nhau viết về "chén vại trang trí gà" là đồ vật có giá trị lớn, bao gồm một đoạn trong Hồng lâu mộng của Tào Tuyết Cần, một trong tứ đại danh tác của Trung Hoa. Năm 1776 hoàng đế Càn Long cũng đã viết một bài thơ[16] về những chiếc chén vại gà này.

Đã có sự hồi sinh nhất định của kiểu trang trí này vào thời Vạn Lịch (1572–1620), và sự hồi sinh mạnh mẽ hơn dưới thời Ung Chính (1723–1735).[17] Các vật phẩm đôi khi cũng được sản xuất sau đó, cụ thể là chén vại gà và chén có chân trang trí dây nho, hai trong số những họa tiết trang trí được ngưỡng mộ nhất vào thời kỳ Thành Hóa.[4][18] Sự kiện nhà khảo cổ học Lưu Tân Viên (劉新園) và nhóm của ông phát hiện và kiểm tra một đống đồ sứ vỡ bỏ đi thời Thành Hóa tại di chỉ lò nung gốm hoàng gia (ngự diêu) ở Cảnh Đức Trấn đã "thay đổi triệt để hiểu biết của các học giả về hoa văn và hình dạng của gốm sứ đấu thái".[19]

Năm 2014, một kê cang bôi trong bộ sưu tập "Mai Nhân Đường" là một cái chén vại uống rượu với trang trí gà có miệng rộng 8,3 cm và cao 4,1 cm đã đạt được kỷ lục thế giới mới cho đồ gốm sứ Trung Hoa khi được đấu giá thành công tại Sotheby's Hồng Kông với mức giá bán 281.240.000 HKD (36,05 triệu USD),[3][20][21] cho nhà sưu tập nghệ thuật kiêm tỷ phú Lưu Ích Khiêm (刘益谦). Các hiện vật có niên đại muộn hơn cũng được bán với giá cao.[22][23][24] Kỷ lục này bị phá năm 2017, với kỷ lục mới cho một chiếc đĩa rửa bút lông bằng đồ gốm Nhữ với giá bán 294,2875 triệu HKD (khoảng 38 triệu USD).[25][26]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đấu thái http://www.christies.com/lotfinder/Lot/an-importan... http://gotheborg.com/glossary/wucai.shtml http://www.gotheborg.com/glossary/doucai.shtml http://www.sothebys.com/en/auctions/2014/meiyintan... http://www.sothebys.com/en/auctions/ecatalogue/201... http://www.sothebys.com/en/auctions/ecatalogue/201... http://www.sothebys.com/en/auctions/ecatalogue/201... http://blog.tooveys.com/2013/05/chinese-doucai-por... http://www.britishmuseum.org/research/collection_o... http://www.britishmuseum.org/research/collection_o...